Cùng với việc chọn cho mình một ngành nghề phù hợp, câu hỏi nên xét tuyển Đại học hay Cao đẳng là thắc mắc được nhiều thí sinh và phụ huynh đặt ra. Đại học có phải là con đường duy nhất để thăng tiến và thành công? Bằng Cao đẳng liệu có thể tìm kiếm việc làm?
Chọn Cao đẳng hay Đại học còn cần dựa vào thời thế và khả năng của bản thân - Nguồn ảnh: Ảnh mạng
Tuổi trẻ của chúng ta luôn có những ngã rẽ buộc phải chọn. Nếu đang đứng trước một ngã ba, một bên bán trà sữa, một bên bán bánh tráng trộn, bạn sẽ làm gì? Đơn giản, quẹo vô mua bánh tráng xong đi hẻm tắt qua mua trà sữa.
Nhưng có những ngã rẽ trong cuộc đời mà bạn chỉ được chọn một: Real Madrid hoặc Barcelona, dép lào hoặc sneaker, hay Đại Học hoặc Cao Đẳng. Thật ra không có lựa chọn nào hơn lựa chọn nào, quan trọng là cách mà bạn hạnh phúc với nó.
Người ta nói học Cao Đẳng không bằng học Đại Học, nhưng nếu bạn học một trường Cao Đẳng có cơ sở vật chất tốt, môi trường học tập tốt, điều kiện sinh hoạt xịn xò, thì có khi lại “nuốt” kiến thức hiệu quả hơn, có thực mới vực được đạo mà.
Dưới đây là vài cái lợi của việc học Cao đẳng:
1. Thời gian đào tạo ngắn.
2. Thành thạo nghề nghiệp.
3. Khả năng cạnh tranh cao.
4. Thu nhập ổn định
5. Bằng cấp chất lượng.
6. Dễ dàng liên thông,…
Tuy nhiên, chúng ta không phủ nhận việc học Đại học nhưng Cao đẳng cũng là một sự lựa chọn tốt.
Khi đi phỏng vấn việc làm tại các công ty bây giờ thường người ta không hỏi bằng cấp nhiều mà xem bạn làm được gì, và với kỹ năng làm việc được thực hành liên tục xuyên suốt các năm học của sinh viên Cao Đẳng thì những buổi phỏng vấn kia chỉ là những buổi trà chiều nhẹ nhàng êm đẹp.
Trong một buổi tư vấn cho các thí sinh gần đây, TS Đồng Văn Ngọc, người có nhiều năm trực tiếp tham gia tư vấn hướng nghiệp cho thí sinh có nói rằng: “Nếu vào đại học chỉ để oai, tôi khuyên các em nên dừng giấc mơ đó lại". Có thể cho thấy rằng, dù có nhiều năm hướng nghiệp và định hướng, nhưng tâm lý "sính bằng đại học" vẫn còn rất phổ biến, nhiều bạn trẻ vẫn chưa "mặn mà" với học cao đẳng.
Khi nói về việc đứng trước ngưỡng cửa Đại học hay Cao đẳng khi thực lực không thực sự khá, ông còn chia sẻ: "Một đất nước có trình độ dân trí cao là hết sức cần thiết, do đó việc học đại học là rất tốt. Nhưng hiện tại, nền kinh tế của chúng ta đang ở mức thu nhập trung bình, phấn đấu đến năm 2030 trở thành nước có thu nhập trung bình cao và phát triển. Do đó, từ nay đến năm 2030, nhu cầu nhân lực chủ yếu vẫn tập trung hầu hết ở khu vực làm việc trực tiếp, đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp hỗ trợ, gia công, sản xuất, dịch vụ… Đây là những vị trí không cần trình độ đại học mà nằm ở khối giáo dục nghề nghiệp."
Bày tỏ thêm về vấn đề nhiều bạn vẫn quyết tâm vào Đại học, Ông nói: "Nếu hiện tại em nào cũng cố gắng vào đại học bằng mọi giá, tương lai sẽ không thể có đủ vị trí việc làm, các em có thể phải ứng tuyển vào những vị trí việc làm yêu cầu trình độ thấp hơn bậc đại học, như vậy sẽ gây lãng phí cho cả gia đình và xã hội. Và thực tế hiện nay, cũng đã có không ít sinh viên đại học tốt nghiệp phải cất bằng đại học để đi làm công việc lao động trực tiếp, hoặc làm những việc chỉ yêu cầu bằng cao đẳng, nhưng thu nhập lại chưa chắc cao bằng các bạn học nghề, cao đẳng, bởi các em không có lợi thế về tay nghề."
Do đó, học CĐ hoàn toàn có thể thăng tiến trong sự nghiệp. Chưa kể đến, nhiều người sau khi đi làm một thời gian lại tiếp tục học 2 năm còn lại để lấy bằng ĐH, thậm chí sau đó là bằng thạc sĩ hoặc cao hơn, khi họ có điều kiện về tài chính và thời gian tốt hơn. Vì thế nên các bạn đừng kỳ thị về việc học Đại học mới thành công, học Cao đẳng là dở, là không bằng bạn bằng bè.
Với những điều nhỏ trên đây, hy vọng rằng các bạn có hướng đi đúng đắn cho bản thân trong tương lai và hãy thật tự tin với những quyết định mà mình đã đưa ra nhé.
Nguồn: Tổng hợp